FANPAGE

Responsive Ads Here

Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

ốc mượn hồn

Có một loài mà dân dã hay gọi là “ốc mượn hồn". Thực ra nó là một cái vỏ ốc từng trôi dật dờ theo sóng biển, đến một ngày được một con tôm Hermit Crab chui vào làm tổ để sống. 

Loài tôm Hermit Crab có một đặc tính là biết tự cải tạo cái vỏ ốc sao cho tiện nghi hơn cho nó. Và theo thời gian, nó sẽ lại lựa một cái vỏ to hơn để phù hợp với độ lớn của mình.

Loài này có một đặc thù là sống theo bầy đàn rất đông, theo tập tính chia nhau những vỏ ốc chúng đang sống tùy theo độ to nhỏ, đôi khi chúng đánh nhau để tranh dành những cái vỏ ốc cả của con đang sống trong đó, lẫn những cái vỏ ốc “vô chủ”.


Là giống “cơ hội”, biết lấy nhà của kẻ khác làm nhà mình nhưng chúng lại được nhiều người ưa thích nuôi làm cảnh vì "ngoại hình" đẹp – Cặp càng đẹp, giáp xác đẹp, thân mềm rất ngon. Tuy nhiên, có lẽ nó cũng chung một đặc tính của loài tôm: CỨT LỘN LÊN ĐẦU.

Cũng như vậy, một số ngôi biệt thự một thời thuộc sở hữu nhà nước cũng dật dờ theo từng trang sổ địa bạ, đến một ngày được một vị “quan” nào đấy… như nguyên tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền chẳng hạn, để mắt, chuyển đến ở và… thanh lý theo nghị định 61/CP trở thành tài sản riêng...y như tập tính của loài tôm Hermit Crab.

Phải chăng, học thuyết tiến hóa của Darwin phải bổ sung thêm một mục… tôm Hermit Crab là tổ tiên của một số loại người, chứ không phải chỉ riêng loài khỉ? 
Để dân gian có thể dùng thêm cụm từ "Trò ốc mượn hồn", ngoài cụm từ "trò khỉ".

P/S:
I. Không phải tất cả những "Quan" được sử dụng nhà công vụ đều làm trò "Ốc mượn hồn" . Cách đây 20 năm, nhà báo Trương Thị Kim Dung đã có bài viết về tấm gương của gia đình cố Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng khi trả lại ngôi biệt thự tại số 5 phố Thiền Quang, Hà Nội. Để tỏ lòng tôn trọng cả nhà báo và nhân vật, nội dung bài viết của bà được copy/paste y nguyên: 

Trong khi Hà Nội đang lên cơn “sốt đất, sốt nhà”, nhiều gia đình, cơ quan đã tranh thủ lấn chiếm, cơi nới thêm diện tích và buôn bán bất hợp pháp nhằm kiếm lợi thì bà Thục Trinh – vợ của cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng lại tình nguyện trả biệt thự to đẹp (số 5 – Thiền Quang).

Điều ấy gây xôn xao dư luận. Ngạc nhiên xen lẫn tò mò, tôi đã đến gặp “người phụ nữ khác thường” để rõ thực hư.

Nghe nói bà là người đầu tiên ở Hà Nội trả biệt thự?

Đúng thế! Không chỉ là người đầu tiên trả mà còn là người đầu tiên đề đạt chuyện này từ hơn chục năm. Năm 1979, sau khi anh Nguyễn Lương Bằng mất, tôi viết thư gửi Tổng bí thư Lê Duẩn và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ xin trả biệt thự để Nhà nước sử dụng.

Khoảng 20 ngày sau, các đồng chí lãnh đạo cao cấp đã trả lời: “Chị và các cháu cứ ở biệt thự như lúc anh Nguyễn Lương Bằng còn sống, yên tâm, đừng băn khoăn nghĩ ngợi gì nữa.

Vì những công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước quyết định BIỆT THỰ SỐ 5 THIỀN QUANG LÀ NHÀ LƯU NIỆM NGUYỄN LƯƠNG BẰNG và phố Nam Đồng đổi tên thành phố Nguyễn Lương Bằng”.

Tôi rất cảm động vì sự quan tâm và đánh giá chí nghĩa chí tình đó nhưng một lần nữa tôi lại đề nghị Đảng, Nhà nước chấp nhận nguyện vọng của mẹ con chúng tôi: Không nên đặt tên đường phố Nguyễn Lương Bằng vì có thể làm cho bưu tá và mọi người tìm địa chỉ khó khăn hơn là giữ nguyên tên phố cũ. Còn nhà lưu niệm thì chỉ cần gắn bảng nhỏ trước cổng là được.
Vậy rồi ra sao ạ?

(Cười buồn). Không một yêu cầu nào của mẹ con chúng tôi được thực hiện.
Ưu tiên, đãi ngộ đó quá đáng chăng?

Bà Thục Trinh nghẹn ngào lau nước mắt khiến tôi vô cùng bàng hoàng, kính nể trước tâm hồn thanh khiết không tham danh vọng tiền tài.

Thưa bà, những chiến sĩ một lòng vì nước, vì dân như ông Nguyễn Lương Bằng được cấp phát nhà cửa đàng hoàng hơn cũng chưa xứng đáng nếu so với cống hiến của họ. Bà có thể cho biết lý do gì và suy nghĩ của mình về vấn đề trả biệt thự?

- Đất nước còn đang khó khăn, thiếu thốn, mỗi công dân phải có bổn phận gánh vác, chia sẻ. Biệt thự số 5 Thiền Quang cho nước ngoài thuê mỗi năm Nhà nước thu lãi hơn tỷ đồng. Số tiền đó có thể dùng vào việc xây dựng hoặc các chương trình nhân đạo khác.

Tôi nghĩ chồng tôi còn sống chắc cũng tán thành ý kiến trả biệt thự. Ông ấy vốn là người trung hậu, liêm khiết đến mức lý tưởng. Mẹ con chúng tôi suốt đời theo gương: “LÀM THÌ NHÌN LÊN, HƯỞNG THỤ THÌ NHÌN XUỐNG”, điều mà ông Nguyễn Lương Bằng thường tự nhủ.

Những kỷ niệm lại hiện về như nước lũ. Bà Thục Trinh kể:

- Những năm (1940 – 1944), khi nhận nhiệm vụ gây quỹ cho Đảng hoạt động, ông đã phải làm đủ nghề kể cả kéo xe mật mía từ Hà Đông ra Hà Nội bán được một món tiền, song hai người chỉ dám ăn 2 xu khoai, 1 xu nước uống. Nhờ sự giúp đỡ của quần chúng và tiết kiệm như thế mà trong một thời gian đã mua cho Đảng chín ngôi nhà (biệt thự số 5 Thiền Quang là một).

Biệt thự số 5 Thiền Quang phải nhờ ông bà chủ hiệu thuốc lào Giang Ký đứng tên trước bạ tránh sự theo dõi của mật thám Pháp. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông bà Giang Ký vẫn bám trụ tại Thủ đô giữ gìn nguyên vẹn tài sản ngôi nhà.
Hòa bình lập lại, ông bà Giang Ký đã mang toàn bộ tiền, biên lai thuê và giấy tờ trước bạ của biệt thự giao cho Đảng, Nhà nước. Hành động cao cả của ông bà Giang Ký thật đáng học tập. Họ đã sống thanh bạch như thế đấy.

Bà Thục Trinh trầm tư:

- Tôi mong sao những đóng góp của mọi công dân không bao giờ bị biến thành những trận bia xả láng, những tiệc tùng phù phiếm xa hoa hay chui vào túi riêng của bất cứ ai.

Nếu Đảng – Nhà nước xóa sạch tệ tham nhũng và có chính sách hợp lý đối với đời sống công dân thì tôi tin chắc nước ta sẽ thoát được những tình thế hiểm nghèo hiện nay, đưa cộng đồng tới tương lai phồn vinh, lấy lại lòng tin cho mọi người.

Tác giả bài báo - nhà báo Trương Thị Kim Dung tâm sự:

Nhân dân rất hoan nghênh việc trả biệt thự của gia đình cố Phó Chủ tịch Nguyễn Lương Bằng. Nhiều người ca ngợi, nhưng phải nói thật cũng có ý kiến cho là gàn dở: “Ở cho sướng, trả lại làm gì”. Cá nhân tôi thì vô cùng khâm phục vì đến nhà, tôi tận mắt thấy gia cảnh rất nghèo. Đồ đạc trong nhà đều cũ kỹ, chẳng có một thứ gì đáng giá.

Bác gái giữ tôi lại ăn trưa, cơm rau muối, rất đạm bạc. Người sống liêm khiết cũng có cái khổ. Cô con gái út tốt nghiệp ĐH Ngoại giao 2 năm rồi nhưng vẫn chưa xin được công ăn việc làm. Hai mẹ con phải sống bằng lương hưu khá eo hẹp của bác gái.

Thế nhưng bác vẫn nhận thức rằng “đất nước còn đang khó khăn, mỗi công dân phải có bổn phận gánh vác, chia sẻ. Biệt thự này cho thuê, mỗi năm Nhà nước có thể thu về hàng tỷ đồng...”. Và quan trọng hơn là tất cả các thành viên của gia đình đều thống nhất như thế.

Bác Trinh nói đại ý: Ngày xưa đi làm cách mạng, có tính toán gì với Nhà nước đâu. Nay ông nhà tôi không làm việc nữa thì tôi trả lại nhà cho Nhà nước. MONG RẰNG NHỮNG NGƯỜI VÌ VIỆC CÔNG ĐẾN ĐÂY Ở, SAU NÀY RỜI KHỎI CHỨC VỤ THÌ TIẾP TỤC TRẢ LẠI NHÀ NÀY CHO NGƯỜI KHÁC SỬ DỤNG. 

II. Biệt thự số 5 phố Thiền Quang ngày nay hiện đang được giao cho Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng quản lý và sử dụng. Chắc rằng với quyết tâm "chống tham nhũng và lãng phí" mà ông vẫn thường nhấn mạnh, tâm nguyện của gia đình cố Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng sẽ dễ có cơ sở thành sự thật....

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét